1001 CHUYỆN (45)

1001 Chuyện  

 

Xem Mục 1001 Chuyện 

– Bo này, dùng mầu sắc là sao ?
– Mầu sắc trong ngôn ngữ của mình thường là biểu tượng cho trạng thái và cảm xúc của người. Một số mầu chỉ rõ những cám xúc riêng biệt. Sách về đề tài này có vẻ đồng ý nhiều về mầu nào có nghĩa gì đối với mình, như trong nhiều ngôn ngữ khác nhau mầu đỏ được liên kết với sự bực bội hay giận dữ. Vật gì nóng thường có mầu đỏ, như than hồng hay kim loại chảy lỏng. Mầu xanh dương thường được người ta hiểu là rầu rĩ, sầu não, nhưng mầu xanh cũng liên kết với việc cảm thấy tĩnh lặng, đối chọi với sự chộn rộn của mầu đỏ.
– Vậy mầu xanh có tính êm dịu và thường được cảm thấy là yên ổn, còn đỏ thì được xem là thúc đẩy, tăng lực ư ?
– Làm tăng lực là một trong những đặc tính của mầu đỏ, và do vậy nó thường nối kết với lòng giận dữ. Lẽ tự nhiên bị tức giận cho ta cảm giác là năng lực tuôn tràn nhiều hơn, ít nhất trong phút chốc, nhưng sự nổ tung của lòng phẫn nộ thường khi cho hệ quả là cảm giác hết hơi, mất sức lực sau đó.
Mầu đỏ là lực thúc đẩy mạnh mẽ, liên kết với sự tăng lực, gây hấn và tình cảm xáo trộn, thế nên ta sẽ có mầu này trong bất cứ hoàn cảnh này khi có những yếu tố trên hiện diện. Nghiên cứu về ảnh hưởng của mầu sắc ở bệnh viện, viện tâm thần thấy là có vẻ như nhiều người bị ảnh hưởng của mầu sắc theo cách này hay kia. Làm sao để mình có ý thức là đang bị mầu sắc chi phối ? Một cách để cảm biết ảnh hưởng của mầu sắc là tự mình thử nghiệm. Thí dụ nếu cảm thấy bực bội hay bị xáo trộn và muốn lòng an tĩnh trở lại, mình có thể chủ ý làm vai  thoải mái và thở sâu rồi tưởng tượng mầu xanh dương. Kinh nghiệm của người khác nói rằng làm vậy giảm bớt nỗi lo lắng của họ.
Cưng cũng có thể học bằng cách gửi mầu sắc đến ai khác. Theo đó khi gặp người bị xáo trộn, mình có thể giúp làm giảm bớt sự đau lòng và khoắc khoải mà không cần lời. Nhưng bước đầu tiên là chính cưng phải có sự an tĩnh trong lòng. Đây là chuyện quan trọng, nó cần phải có tập luyện và giống như bài tập thiền.
– Bo chỉ đi.
– Khi thực hành, giữ cho mình thoải mái và tượng hình bất cứ biểu tượng nào có nghĩa bình an đối với cưng, thí dụ một cái cây hay biển. Bước kế là nghĩ tới một ai đó và tưởng tượng mầu cưng muốn gửi bao quanh họ. Như vậy, mình vừa ý thức cách mầu sắc ảnh hưởng mình, mà học luôn cách dùng chúng có ý thức.
Ban đầu mình tập làm tăng sự nhậy cảm với mầu sắc và ảnh hưởng của nó, rồi học cách gửi tư tưởng có những mầu sắc khác nhau, và nghĩ đến mầu như là dụng cụ để dùng chữa lành, hay thay đổi tâm trạng và sự căng thẳng tình cảm, dần dần cưng sẽ dùng mầu sắc một cách hữu ý.
– Nếu mầu sắc chi phối trạng thái và không chừng luôn cả sức khỏe, thì cách dùng mầu là ra sao, thí dụ cam, vàng, xanh lục.
– Cam, vàng là hai mầu có tính tăng lực; xanh lục là mầu làm hài hòa. Xanh lục trong thiên nhiên làm mình cảm thấy chẳng những hăng hái, mà luôn cả bình an hơn. Nó cho cảm giác an lành mà không có năng lực quá mức muốn thúc đẩy mình; thay vào đó là cảm giác thư thái. Ấy là lý do xanh lục có tính hài hòa. Có lẽ vì vậy mà nó được dùng nhiều ở bệnh viện, phòng nằm sơn mầu này và áo của y sĩ giải phẫu, phòng giải phẫu cũng thường có mầu lục.
– Rồi khi ai rất thích một mầu thì có nghĩa gì ? Thí dụ có người nói thích mầu vàng hay xanh.
–Ai rất thích một mầu thì có thể ấy là điều họ cần mà không biết. Nó có thể đáp ứng lại một thiếu thốn nào đó, mà họ không có cách khác để diễn tả; nhưng sự ưa thích đó không giữ y vậy hoài, nó có thể chỉ nhất thời. Người ta có khi thấy muốn mặc y phục mầu đỏ hay vàng vì nó làm phấn chấn tinh thần họ, hoặc mầu xanh vì nó làm dịu họ xuống. Đó có thể là nhu cầu tạm thời về mầu làm tăng lực hay là ngược lại.
– Sách vở nói hào quang con người có nhiều mầu.
– Phải rồi, hào quang hay các thể sinh lực, tình cảm và trí thấu nhập và trùm khắp người, lan ra xa vài tấc, mình luôn luôn tỏa năng lực ra ngoài qua các thể. Nó hàm ý con người không ngừng tương tác, trao đổi năng lực với kẻ khác, bằng cảm xúc và tư tưởng.
Đa số người ý thức tới một mức nào đó là có sự trao đổi năng lực về cảm xúc. Thí dụ mọi người đều biết là tâm trạng dễ lây, cả vui lẫn buồn. Thấy ai rầu rĩ thì mình cũng buồn theo, và người ta thích đến với ai vui vẻ, tươi cười; người sau vì vậy có sức thu hút kẻ khác tới họ nhiều hơn. Tuy nhiên vào lúc chuyện xẩy ra thì mình thường không ý thức là vậy, như có thể không có dấu hiệu rõ ràng là ai đó sầu não, nhưng mình tự nhiên thấy xuống tinh thần hoặc bực dọc mà không có lý do.
Nhiều người không nghĩ là tâm trạng, tình cảm của mình có hệ quả sâu rộng như vậy, hay có ảnh hưởng mối liên hệ với kẻ khác, dầu vậy đó là một sự kiện có thật luôn xẩy ra. Và nó hàm ý là người ta có trách nhiệm không nhữngvới lời nói và hành động của mình, mà luôn cả tư tưởng và cảm xúc của ta. Nếu ta chỉ ở trong phòng và nghiền ngẫm các ý nghĩ thù nghịch và bạo hành với ai khác, nó có vẻ như ta chẳng làm hại gì ai. Chắc chắn nó không có hại như việc thóa mạ ai công khai, hay gây thương tích cho xác thân họ; nhưng năng lực mà ta phát ra vẫn có sức chi phối, vì các thể của ta liên kết với thể của người khác ở nhiều cõi khác nhau. Thế nên dù chỉ ở nhà ta vẫn có thể tác động hoặc xấu hoặc tốt lên môi trường chung quanh.
– Ảnh hưởng như vậy lan bao xa ?
– Nó thay đổi tùy theo một số yếu tố, cho cá nhân thì mình luôn luôn đóng góp vào bầu không khí chung, theo cách này hay cách kia, của hàng xóm, cộng đồng, quốc gia, và sau cùng là trọn nhân loại; vì mỗi bầu tập thể như vậy chịu tác động của những phần bên trong tạo nên nó. Theo cách đó, tư tưởng và tâm trạng ‘đen tối’ của mình thực sự có thể làm tăng lên một mức nào đó sự đen tối tinh thần của toàn thế giới. Và ngược lại, ảnh hưởng ‘tươi sáng’ của ta có thể giúp làm nó tỏ ngộ.
Trên bình diện quốc gia chuyện lại càng rõ hơn. Người bạn kể đi xe lửa từ Hòa Lan sang Đức, đang từ xứ sở rực rỡ hoa uất kim hương mùa xuân vui tươi, vừa băng qua biên giới họ cảm nhận ngay sự trật tự, kỷ luật, phép tắc rạch ròi của Đức trong cách kiến trúc, xử sự của dân bản xứ; bầu không khí thay đổi ngay tức khắc thật rõ ràng dù không một lời nào thốt ra. Kẻ khác bảo khi ở bên Anh họ suy nghĩ theo lối người Anh, mà sang Pháp không biết vì lẽ nào, họ lại thấy cách lập luận của người Pháp rất ư là hữu lý !
Áp lực hay sức chi phối của khối đông người nghĩ hay cảm xúc cùng một điều thì rất mạnh, và quan trọng hơn ta tưởng. Thí dụ ‘cơn sốt chiến tranh’ bắt đầu với tác động của cảm xúc giận dữ, và gây hấn của nhiều người lên thể tình cảm chung của một quốc gia. Khi nhìn bằng thông nhãn clairvoyance, bà Dora Kunz thấy đó như là trời giông bão mây đen, có những chớp lóe mầu đỏ đậm chiếu sáng. Bầu không khí trong vùng nặng nề dần, cho đến lúc một trận bão hung tợn của đám đông rốt cuộc bùng nổ.
Nói khác đi, người ta có thể chia sẻ trách nhiệm về chiến tranh mà không nhất thiết phải cầm súng, hay tham dự vào những quyết định của chính phủ; còn đức Dalai Lama nói đại ý chiến tranh sẽ vẫn còn bao lâu mỗi người còn ý thù hận trong lòng.
– Mầu hồng ngụ ý tươi đẹp, nó có liên hệ với việc nghĩ về ai với tình thương không ?
– Bà Dora nói rằng ý thương yêu liên kết với mầu hồng, tư tưởng thương yêu của mình cho bạn sẽ gửi một năng lực tới họ, mà nhìn vào sẽ thấy có mầu hồng. Đó là mầu rất trợ lực. Khi mình gửi mầu hồng tới người bạn, nó sẽ cho cảm giác hỗ trợ dù họ biết hay không.
– Vậy người nhận không cần phải biết em gửi tới họ mầu gì ?
– Không, cưng không cần phải nói.
– Bầu không khí quanh họ thì ra sao ?
– Có thể có nhiều ảnh hưởng khác nhau, tuy người bạn có thể không nhận biết rõ ràng là chuyện gì đang xẩy ra, hay tại sao. Thí dụ họ có thể sinh cảm tình ấm áp, hoặc thấy mình bất chợt mỉm cười, hoặc thấy lòng an ổn hẳn lên. Bà Dora kể buổi sáng hay đi đò xuống phố, trên đò thấy ai mặt mày ủ dột thì bà nhờ tinh linh bao quanh họ mầu sắc xinh đẹp, và sau một lúc gương mặt họ bớt rầu rĩ mà tươi hơn.
– Tham thiền có giúp gì cho việc dùng mầu sắc không ?
– Tự nhiên là có. Thí dụ khi muốn giúp ai bị sầu não, rối rắm hay đang gặp khủng hoảng, kết quả sẽ tùy thuộc vào việc cưng đã tạo sự hòa hợp trong thể của mình tức mức nào, nhờ tham thiền đều đặn mỗi ngày. Ấy là điều quan trọng. Tham thiền giúp lặng yên và hòa hợp các thể của mình; nó làm con người được trọn vẹn wholeness, và làm mạnh thêm cảm xúc được tiếp xúc với Chân nhân, phần tinh thần ở nội tâm mà mỗi người chúng ta có. Nó cũng còn tăng thêm ánh chói sáng cho thể.
– Sáng như thế nào ?
– Một thí dụ là hình ảnh mặt trời chiếu sau đám mây, nó sẽ làm đám mây sáng hơn. Việc tham thiền đều đặn sẽ cho ra điều như vậy trong các thể của mình, nghĩa là thực hành thì ấy là kết quả; mà trước đó người ta phải dành thời gian làm giảm sự lo âu, hay cảm xúc tiêu cực nào khác trong tâm. Chỉ tham thiền mỗi tháng hay mỗi tuần một lần, thì không cho kết quả bằng việc hành thiền mỗi ngày.
Tất cả những cảm tình rối rắm và ghét bỏ của mình, sinh ra một loạt các mầu sắc hỗn loạn trong bầu không khí quanh ta. Giả dụ cưng tham thiền một tuần với ý nhất quyết, mạnh mẽ làm lặng xuống tình trạng hỗn loạn, và sinh ra ảnh hưởng dễ chịu, thì cũng cho kết quả như vậy nhưng chỉ trong một hay hai ngày. Còn khi thực hành mỗi ngày, các thể tương tác hòa hợp nhiều hơn, tùy vào ý định và sức tập trung của một người, và do đó làm giảm sự rối loạn.
Điểm khác nữa đáng nói là mầu sắc là hệ quả của tâm trạng, hơn là sinh ra tâm trạng. Nói khác đi không phải chỉ nghĩ về một mầu là cưng loại trừ được sự xáo trộn trong tâm.
– Nhưng hồi nẫy mình nói nghĩ tới mầu xanh làm tâm được an ổn.
– Đúng vậy, đôi khi tập trung vào một mầu - thí dụ mầu xanh royal blue nếu lòng quá sầu não - tưởng tượng ra mầu đó sẽ cho cảm giác thư thái. Nhưng nếu muốn kết quả được lâu dài, người ta cần chủ ý muốn tách mình khỏi những gì sinh ra sự xáo trộn, và lẽ tự nhiên phải có hiểu biết ấy là điều gì. Tức mầu sắc trong thể chỉ là hệ quả trong một lúc nào đó, còn thì người ta cần có chủ ý lâu dài và có lòng muốn thay đổi. Nó có nghĩa không có việc dùng mầu sắc một cách máy móc, nhưng trụ tâm trí vào một mầu có thể củng cố ý định, như thí dụ mầu xanh và cảm giác bình an.
Nói về biểu tượng thì mặt trời thường tượng trưng cho sức khỏe và năng lực, mầu vàng đặc sắc của nó có nghĩa sức sống, lực chữa lành, là về mặt vật chất, còn ánh sáng là biểu tượng từ xưa về tinh thần, năng lực tinh thần hay tâm thức. Mặt trời vì vậy nói vể cả hai điều vật chất và tinh thần, và không phải nó chỉ là biểu tượng, mà quả thực có năng lực tinh thần từ mặt trời tác động lên chúng ta. Tuy nhiên nó chỉ có ảnh hưởng lên ta, nếu tự trong lòng người có ý vươn ra đáp lại.
Thí dụ cảnh hoàng hôn có thể làm tâm thức người này mở rộng, khiến họ ngất ngây say đắm, nó ứng với lòng khát khao muốn có sự an bình và các đặc tính tinh thần khác, mà với người kia đứng nhìn cảnh trời chiều, lại không có gì xẩy ra trong tâm. Cảnh bình minh cũng là giây phút tuyệt vời, quan trọng; mặt trời mọc là biểu tượng cho một ngày mới, về một nghĩa khác nó tượng trưng cho sự tái sinh mỗi ngày của cái tôi tinh thần. Ánh sáng thường khi làm tan biến lòng sầu não, xuống tinh thần, làm ta cảm thấy khá hơn, ngay cả về thể chất. Nên mặt trời - hay ánh sáng mặt trời - quả thực là một biểu tượng mạnh mẽ. Ánh sáng cũng có chỉ về kiến thức và sự hiểu biết, làm ta thấy sự việc rõ ràng. Vì vậy, ánh sáng là một ẩn dụ, không có nghĩa vật chất là tối đen hay sáng tỏ. mà nó chỉ về một kinh nghiệm nội tâm.
– Con người có những thể khác nhau vậy quốc gia thì sao, có giống vậy không ?
–Ngộ lắm, mỗi nhóm, hội đoàn, tổ chức có một bầu năng lực chung bao bọc họ, là một thể sinh lực tạm thời của nó.
– Tạm thời là sao ?
– Là nó chỉ được tạo nên trong một số điều kiện, và sẽ tan rã khi không còn những yếu tố thích hợp.
– Tức là như phản ứng hóa học sẽ xẩy ra ở nhiệt độ và áp suât nào đó mà thôi, phải không ?
– Ừa, đại khái thế. Ở đây là một hào quang chung bao trùm nhóm đông người. Có hai điều cần để nó xẩy ra. Một là sự gần gụi thể chất, như trong cùng gian phòng hay tòa nhà. Thế nên ai ở cùng nhà đông đúc sẽ khó mà dửng dưng, đứng ngoài tâm tình chung. Hào quang chung cũng có khuynh hướng tạo ra, khi nhóm người được thu hút về cùng một đề tài, sự việc, bao lâu mà họ còn chú ý tới nó. Thế thì buổi hòa nhạc hay diễn kịch cho cả hai yếu tồ - vừa có sự kề cận nhau trong một khoảng không gian kín, vừa có một chú ý chung - nên chẳng bao lâu một hào quang chung sẽ thành hình.
Cũng y vậy, một tai nạn hay mối nguy hiểm chung, cũng tụ mọi người lại thành nhóm kinh hoàng, hoảng loạn hay thù nghịch; hoặc có thể là nhóm có tình cảm bị một diễn giả khéo ăn nói thu phục, một chính trị gia, hay buổi diễn hành. Bản chất và đặc tính của nhóm như vậy tùy vào tâm tính của người trong nhóm, lẫn điều tụ họ lại với nhau. Nó có thể là lòng sùng tín sâu đậm hay óc thưởng ngoạn vẻ mỹ lệ, hoặc là nhóm có chủ ý phá hoại, đập vỡ cửa hàng để hôi của.
Trong bất kỳ trường hợp nào có một yếu tố thứ ba xen vào, làm sức mạnh của nhóm lớn hơn tổng số lực của người trong nhóm. Nghĩa là có một lượng phụ trội được thêm vào hào quang nhóm, lấy từ sức sống của tinh linh và thiên thần, tương ứng với phẩm chất của tư tưởng và cảm xúc của nhóm, và lập tức tăng cường phần đóng góp của con người. Yếu tố này luôn luôn tác động bên trong con người, và có vẻ như nó tăng theo cấp số nhân hơn là cấp số cộng, khi bầu sinh lực không còn là của một cá nhân mà là một tập thể người.
Khi buổi hòa nhạc có nhạc hay, bầu hào quang chung thành chứa đựng cảm xúc có tính thanh nhã, có nhiều mầu sắc tương ứng với nhạc, là phần của thiên thần hòa điệu với nhạc. Nếu buổi ca nhạc ầm ĩ và gào thét như rock, ta có phần của tinh linh có tính phàm trần hơn, có khuynh hướng kích thích phần cảm dục hơn nơi con người. Nhóm học chung về ý nghĩa sâu xa của sự sống sẽ có hào quang tương ứng, và khác với buổi lễ ở nhà thờ đông người ca hát; loại sau có tình cảm mạnh và có thể thành cuồng loạn, chuyện hay thấy ở vài giáo phái.
Bầu hào quang nhóm được tạo ra thì cũng có lúc tan rã. Trước tiên, bầu không thành hình khi có tranh cãi thay vì thảo luận. Tranh luận sinh ra căng thẳng, áp lực và thường có tính phá vỡ, làm gián đoạn. còn thảo luận là chuyện khác. Cho dù có bao nhiêu quan điểm khác nhau được nêu ra, buổi thảo luận đúng nghĩa tạo nên một cơ cấu và không phá hủy nó.
Nếu nhiều người, cho dù có tính khí và chủ trương rất khác biệt, họp lại không những lắng nghe mà còn suy xét ý người khác, cố tìm một điểm chung và điều gì thực trong bất cứ ý nào đưa ra, thì buổi họp có thể sinh ra nhiều sự tốt lành. Bởi khi hào quang nhóm thành hình, yếu tố phụ trội có thể mạnh tới độ chẳng những các dị biệt cá nhân được giải quyết, mà nhóm còn có thể đạt tới mức hiểu biết cao hơn, có cái nhìn sâu sắc  hơn về một vấn đề khó khăn. Ngược lại, nếu một lời phê bình đưa ra có tính phá hoại. hay có ai la lối vì giận dữ hay lo sợ, bầu hào quang dễ bị tan vỡ không cứu được.
Tương tự vậy, sau một lúc họp người ta sẽ mệt mỏi không tránh được, và trọn bầu chùng xuống, uể oải. Người trưởng nhóm khéo léo có thể làm một nhóm có tình cảm xáo trộn được thăng bằng trở lại, cùng với sự hợp tác của nhiều người, và hào quang nhóm căng lên như cũ. Nhưng đôi khi buổi họp kéo dài quá lâu, làm hư đi một giờ học có giá trị và có tính xây dựng. Do đó người trưởng nhóm cần nhậy cảm và xem chừng, là mức sinh lực của nhóm có thay đổi. Khi người ta mệt mỏi thì bất cứ sự tốt lành nào đạt được, có thể mất đi và sinh ra hoang mang, do sự kiện là khi đó mỗi não ether đã làm hết sức của nó rồi.
Với các nghi lễ tôn giáo, nghi thức thiêng liêng có ý nghĩa tinh thần, được cử hành ở nơi tôn nghiêm, và khi có một vật hữu hình làm tụ điểm thí dụ như thánh tích, hào quang của nhóm có khuynh hướng liền lạc và mạnh hơn trường hợp thường. Nhìn bằng thông nhãn thì ta thấy một hào quang nhóm, như là khối vật chất ether co bóp phập phồng, bao trùm hết những ai có mặt. Xuyên qua nó có lóe tư tưởng và tình cảm lan ra như gió thổi trên ruộng bắp. Mầu sắc sẽ thay đổi theo tâm trạng lúc ấy, và tuy có lúc trọn cơ cấu tương đối lặng lẽ, nó có thể có vẻ xáo động, làm như bị cơn bão dập vùi.
– Chuyện khác là người bạn có thân nhân vừa qua đời, em nên nói gì với họ ?
– Theosophy cho cưng nhiều điều có thể nói với bạn. Thông thường người ta chỉ nói về việc thắp nhang đèn, đọc kinh, dâng lời cầu nguyện như là những gì có thể làm được cho ai qua đời, nhưng với hiểu biết về Theosophy thì có nhiều hơn thế. Yogananda kể rồi thế chiến I, một buổi sáng ngồi thiền ông suy gẫm về sự mất mát bi thảm của chiến tranh. Đột nhiên tâm thức ông ‘chuyển’ vào thân xác của một hạm trưởng, trên chiến hạm đang dự trận thủy chiến. Tầu trúng đạn, hạm trưởng cùng thủy thủ đoàn bơi vào bờ. Trên bờ, một viên đạn bay vào giữa ngực ông. Lúc mất dần tâm thức thì ông đột nhiên quay trở về phòng ở Calcutta, như là Yogananda đang ngồi kiết già. Ông bị hoang mang vì tâm thức lại đi vào cái xác đã chết của người sĩ quan, rồi một vùng ánh sáng hiện ra chiếm trọn tầm nhìn của ông.
Sự kinh hoàng của trận chiến tiếp tục xen kẻ với ánh sáng cõi trời. Yogananda bảo kinh nghiệm làm thay đổi tâm thức mình, vì nó cho ông thấy thật sống động rằng con người đều là sự sáng, và cái ánh sáng vĩnh cửu ấy chẳng liên quan gì đến chuyện mà người trần gọi là sự sống hay chết.
Hiểu biết này giúp cưng có thể nói với người bạn rằng thử xem sự việc theo một cách khác, là nhìn vào bản chất thiêng liêng của con người. Cái tâm này có nơi bất cứ ai, tuy đôi khi bị bản tính thấp che lấp. Sự rũ bỏ thể xác rồi những thể thanh sau đó, làm cho sau rốt chỉ còn lại phần tốt lành hay cái tâm của người sang cõi bên kia. Mặt tốt lành, đẹp đẽ của một ai mới là phần thực tại đúng nghĩa, vì nó còn hoài, là thực tại mà ta gặp lại nơi họ kiếp sau trên trần, và tiếp tục thương yêu họ.
Vậy điều giúp đỡ lớn lao nhất có thể làm cho ai qua đời, là nhớ tới họ luôn luôn như là người mình thương yêu, quí mến lúc ban đầu, lúc fall in love với họ. Giữ điều ấy trong tâm làm lợi cho cả người sống và người đã khuất.
● Cho ai qua đời, nó giúp tăng cường ý thức về thực tại là sự tốt đẹp của bản chất họ.
● Cho người sống, ý thức sẽ đánh tan lòng sầu muộn khi trụ vào thực tại đó.
Trẻ con có thể chưa hiểu nhiều về triết lý, thì cha hay mẹ có thể cho con xem tấm hình của người bạn đời, lúc đôi bên mới gặp và có cảm tình với nhau; dụng ý là ta nhớ về họ chỉ với hình ảnh lúc họ nhìn đẹp nhất, và đầy sự tốt lành mà chồng hay vợ biết rõ về bạn đời của mình.
Việc nhớ người thân lúc họ trông đẹp nhất là theo nguyên tắc chung, nói rằng sức mạnh đi sau tư tưởng. Nghĩ như vậy là thêm năng lực cho bản tính đẹp đẽ nơi họ, và tương tự thế, khi gửi tư tưởng trợ lực tới ai đau ốm, mình được khuyên là nên nhìn thấy, tạo hình ảnh họ mạnh khỏe, tươi vui trong tâm mình, mà không phải là hình ảnh họ đau ốm.
– Đó, em thích ý này, là giữ hình ảnh đẹp đẽ của chàng hay nàng ở ‘Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…’ trong tâm. Vậy khỏi cần giải phẫu thẩm mỹ, chích Botox tốn kém làm gì, lúc cao tuổi và dung nhan đổi thay. Học Theosophy quả là có lợi. Hoan hô MTTL !

Tham khảo:
- The Use of Color, Dora Kunz, The Amerian Theosopist, May 1985.
- The Etheric Body of Man, Lawrence and Phoebe Bendit.